Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Ngọc Trạo  - TP.Thanh Hóa

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố

Đăng lúc: 14:13:10 04/05/2023 (GMT+7)
100%

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố

 
(Baothanhhoa.vn) - Thức ăn đường phố từ lâu đã là một nhu cầu của người dân đô thị. Đôi khi, thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Bên cạnh sự thuận tiện, thức ăn đường phố cũng tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
177d4094723t65892l0.jpg

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Dạo một vòng quanh những con phố lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhất là những con đường gần trường học, chợ, nơi buôn bán sầm uất đều dễ dàng bắt gặp những xe, gánh thức ăn đường phố bán đủ các loại, từ bún trộn, bún đậu, thịt nướng, bánh rán, phở đến các món ăn vặt như ốc luộc, trứng nướng, rau nộm, chè, hoa quả dầm...

Theo quan sát của chúng tôi, việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đa số được chủ quán thực hiện bằng tay trần, bát đũa dùng xong được ném vào một góc hoặc lau rửa rất qua loa, khăn lau tay chung với khăn lau bát đũa. Đáng nói là hầu hết người tiêu dùng đều có thể quan sát và thấy được nguy cơ mất ATTP này, song đa số vẫn dễ dàng chấp nhận.

Bà Lê Ngọc Anh ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa cho biết: “Tôi biết về nguy cơ mất ATTP của các loại thức ăn đường phố, nhưng vì sự tiện lợi, giá cả lại phải chăng, hương vị cũng khá ổn, có những nơi còn ngon, nên dù không biết nguồn gốc, xuất xứ hay quy trình sản xuất cũng như các tiêu chí về tem, nhãn, hạn sử dụng, nhưng tôi vẫn sử dụng”. Còn bà Trần Thị Nga ở phường Điện Biên, thì cho rằng: Do việc sử dụng thức ăn đường phố không thường xuyên, nên cũng không mấy để tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay quy trình chế biến. Cứ chỗ nào ăn cảm thấy ngon thì mua.

Thông tư số 30/2012/TT-BYT, ngày 5-12-2012 quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố của Bộ Y tế quy định: Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự. Theo đó, điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm đủ nước sạch, có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống, người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, đội mũ khi bán hàng, không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu trong chế biến thực phẩm, thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60 cm, bao gói hợp vệ sinh, có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố...

Đối chiếu những quy định này với thực tế chúng tôi quan sát được, thì hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều không đáp ứng. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ mất ATTP từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh này là khá cao.

Hiện nay TP Thanh Hóa là địa phương có số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố lớn nhất cả tỉnh, tính đến tháng 4-2023 là 1.340 cơ sở. Số lượng cơ sở lớn, lại có tính chất di biến động nên việc quản lý loại hình sản xuất và kinh doanh này của thành phố gặp nhiều khó khăn. Để công tác quản lý đạt hiệu quả, UBND TP Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý theo định hướng của thành phố. Trong đó, tập trung vào các giải pháp, nhóm giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng sử dụng thức ăn đường phố. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị và người dân cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vấn đề ATTP thức ăn đường phố đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về ATTP. Ngoài ra, TP Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Trước mắt, TP Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2023, trong đó có việc tăng cường quản lý vấn đề ATTP đối với thức ăn đường phố. Điều này đã và đang góp phần bảo đảm ATTP cho việc sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
231
Hôm qua:
293
Tuần này:
2985
Tháng này:
16726
Tất cả:
384048

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289